Thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ nhỏ là bệnh lý xảy ra khi hàm lượng Hemoglobin (hay Hb) trong máu hạ xuống thấp so với hàm lượng bình thường, nguyên nhân là do thiếu một hay nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu như sắt, đồng, axit folic… Thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ nhỏ làm cho sức đề kháng của trẻ bị giảm sút, cơ thể dễ bị nhiễm vi khuẩn làm chậm quá trình tăng trưởng, phát triển cũng như học tập của trẻ. Do đó, việc phòng ngừa bệnh thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ nhỏ là điều cần thiết, cha mẹ nên đặc biệt quan tâm.
Mục lục
Bệnh thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ nhỏ

Thiếu máu dinh dưỡng là hiện tượng thiếu máu do thiếu một hay nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tạo máu. Các chất dinh dưỡng tham gia vào tạo máu là chất đạm, sắt, acid folic, vitamin B12, B6, vitamin C…
Thiếu máu do thiếu sắt là bệnh thiếu máu dinh dưỡng hay gặp nhất ở nước ta. Thiếu máu là bệnh tiến triển âm thầm nên thường bị bỏ qua.
Các dấu hiệu để nhận biết thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ nhỏ
Biểu hiện lâm sàng của thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ thường âm thầm, gây khó khăn trong phòng chống bệnh này ở cộng đồng. Một số biểu hiện chủ yếu của thiếu máu dinh dưỡng nhẹ ở trẻ thường là:
- Da xanh, niêm mạc nhợt
- Trẻ kém hoạt bát, thường học kém, hay buồn ngủ
- Khi bị thiếu máu nặng, trẻ có khó thở, hay bị viêm nhiễm đường hô hấp và các bệnh nhiễm khuẩn khác.
- Với phụ nữ mang thai, thường biểu hiện da xanh, lòng bàn tay nhợt nhạt, lưỡi có hạt sắc tố đỏ sẫm, mệt mỏi, chóng mặt, tim đập mạnh, khó thở.
Hậu quả của thiếu máu dinh dưỡng gây ra là gì?
- Trẻ biếng ăn, chậm lớn.
- Hệ miễn dịch suy yếu.
- Ảnh hưởng đến chỉ số thông minh (IQ), kết quả học tập kém.
Vì sao trẻ nhỏ thường hay bị thiếu máu dinh dưỡng?
Không cung cấp đủ chất sắt: Thiếu máu do thiếu sắt là nguyên nhân gây nên thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ em.

Do nhu cầu sắt: Trẻ em là lứa tuổi lớn nhanh nên nhu cầu sắt cao. Trẻ sinh đủ tháng có dự trữ sắt tốt sẽ được đáp ứng cho tới 6 tháng đầu đời. Sau khoảng thời gian này, bắt đầu có sự thiếu hụt sắt nên phải bổ sung thêm sắt qua thức ăn.
Phụ nữ có thai cần có đủ sắt để phát triển của thai, nhau thai. Phụ nữ cho con bú nếu thiếu sắt sẽ gây thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh.
Mất máu khi nhiễm ký sinh trùng đường ruột: Mất máu khi nhiễm ký sinh trùng đường ruột sẽ gây thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ em. Giun móc là ký sinh trùng chủ yếu gây nên tình trạng này; vì nó gây mất máu đường tiêu hóa và gây thiếu sắt.
Trẻ thiếu máu dinh dưỡng do mắc các bệnh về máu khác.
Hướng dẫn phòng bệnh thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ nhỏ
- Bổ sung sắt và đa vi chất dinh dưỡng cho các đối tượng có nguy cơ cao: phụ nữ mang thai; bà mẹ cho con bú trong 2 tháng đầu; phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và trẻ em.
- Với những trẻ đẻ non; suy dinh dưỡng bào thai; trẻ sinh nhẹ cân nên đi khám và điều trị thiếu máu sớm.
- Thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ và ăn bổ sung hợp lý.
- Đa dạng hóa bữa ăn: cần cung cấp đủ các thực phẩm giàu sắt có nguồn gốc động vật; thực phẩm giàu vitamin C.
- Phòng chống bệnh nhiễm trùng, nhiễm giun sán, tiến hành tẩy giun định kỳ khi trẻ 2 tuổi.
Cha mẹ có thể cũng có thể phòng bệnh cho trẻ bằng cách áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống; và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để trẻ dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho trẻ phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của trẻ không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt.