Bệnh não úng thủy không phải là một bệnh lý riêng biệt, bệnh là hậu quả của các nhóm bệnh lý khác nhau. Bệnh não úng thủy có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng trẻ sơ sinh là đối tượng hay mắc bệnh này, với tỷ lệ 1:500 thai kỳ. Đây cũng là bệnh lý nghiêm trọng ở trẻ nhỏ. Vì vậy, các bậc cha mẹ nên sớm quan tâm và có những biện pháp để giúp trẻ nhỏ phòng ngừa bệnh não úng thủy. Hãy cùng theo dõi bài viết bên dưới chia sẻ thông tin về bệnh não úng thủy ở trẻ sơ sinh cũng như cách phòng ngừa bệnh này.
Mục lục
Bệnh não úng thủy là như thế nào?

Não úng thủy là tình trạng dư thừa quá mức dịch não tủy, khiến não và sọ sưng lên. Dịch não tủy là chất lỏng trong suốt bao quanh não và tủy sống, có vai trò cung cấp dưỡng chất cho não, bảo vệ hệ thần kinh trung ương (não bộ và tủy sống) trước các sang chấn cơ học, điều chỉnh thay đổi áp suất trong não.
Não úng thủy có tên tiếng anh là hydrocephalus, trong đó tiền tố “hydro” có nghĩa là nước và “cephalus” có nghĩa là não nên còn được gọi là bệnh đầu nước. Đây không phải một bệnh lý cụ thể mà là hậu quả của nhiều bệnh lý khác nhau.
Bình thường dịch não tủy được tiết ra từ đám rối mạch mạc với tốc độ trung bình khoảng 20ml/giờ; sau đó hấp thu bởi một thành phần khác trong não có tên là thể Pacchioni. Như vậy dịch não tủy tồn tại trong não và được tuần hoàn, đổi mới nên luôn giữ được một thể tích ổn định, khoảng 50ml ở trẻ em và 150ml ở người lớn.
Nguyên nhân gây ra não úng thủy ở trẻ sơ sinh
Tùy thuộc vào thời điểm xuất hiện bệnh mà có các nhóm nguyên nhân khác nhau:
Trường hợp não úng thủy bẩm sinh
Xuất hiện ngay từ khi trẻ còn nằm trong bào thai với nguyên nhân do các dị tật bẩm sinh gây ra:
- Giãn não thất: là tình trạng não thất có kích thước lớn hơn bình thường; gây rối loạn dòng chảy của dịch não tủy
- Hẹp cống não: cống não là các cầu nối thông giữa các não thất. Khi cống não bị hẹp, dòng chảy của dịch não tủy cũng bị cản trở gây ứ đọng dịch não tủy.
- Nang màng nhện: màng nhện là một tấm trong suốt bao phủ bề mặt não, có nhiều nang chứa dịch não tủy. Bất thường nang màng nhện có nghĩa là các túi nang ở lớp màng nhện phát triển bất thường gây thay đổi áp lực của dịch não tủy.

- Nứt đốt sống: là một khuyết tật ống thần kinh. Dị tật bẩm sinh này bao gồm nhiều bất thường, trong đó có não úng thủy. Não úng thủy gây ra do nứt đốt sống là một trong những nguyên nhân hiếm hoi có thể di truyền.
- Mẹ bị nhiễm trùng trong thai kỳ: Nếu mẹ bị nhiễm trùng nghiêm trọng trong thời gian mang thai thì nguy cơ sinh con bị não úng thủy sẽ tăng. Các bệnh như sởi, rubella, quai bị… có thể liên quan đến tình trạng não úng thủy ở trẻ.
Trường hợp não úng thủy xuất hiện sau khi trẻ ra đời
Một số trẻ được sinh ra hoàn toàn bình thường, khỏe mạnh nhưng sau đó lại phát hiện bị bệnh não úng thủy. Lý do gây nên trường hợp này bao gồm:
- Xuất huyết trong não: Chảy máu trong não khiến máu chảy vào não thất, trộn với dịch não tủy, làm tăng áp suất dịch não tủy. Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở trẻ sinh non; và hiếm khi xảy ra ở các bé sinh đủ tháng.
- Chấn thương ở vùng đầu có thể gây chảy máu trong não thất; phù nề nhu mô não gây chèn ép hệ thống não thất.
- Nhiễm trùng hệ thần kinh: nhiễm trùng tại màng não gây bít tắc các nút mạch làm giảm khả năng hấp thu dịch não tủy hay viêm tại các đám rối mạch mạc gây tăng tiết dịch não tủy.
- Hấp thu dịch não tủy kém: Dịch não tủy chảy qua các tâm thất trái nhưng dòng máu không thể hấp thu lượng dịch dư thừa do các khuyết tật trong não thất.
Những triệu chứng của bệnh não úng thủy ở trẻ sơ sinh
- Vòng đầu lớn bất thường, có thể dễ dàng nhận thấy bằng mắt thường
- Thóp trước và thóp sau phồng, ấn vào cảm giác căng

- Da đầu mỏng do bị kéo căng theo kích thước vòng đầu.
- Các xương hộp sọ tách nhau ra, đường gian khớp giãn rộng.
- Mạch máu nổi rõ dưới da đầu.
- Bỏ bú, nôn mửa
- Mắt nhìn lệch xuống dưới, ít chuyển động.
- Co giật, dễ kích thích.
- Tay chân kém linh hoạt
Những biện pháp phòng ngừa bệnh não úng thủy
Để giảm thiểu nguy cơ trẻ sinh ra bị não úng thủy, các bà mẹ cần làm các việc sau:
Khám sức khỏe định kỳ trong thời gian mang thai. Không bao giờ bỏ lỡ buổi hẹn của bác sĩ khi bạn mang thai; và nên theo sát lịch trình siêu âm. Phát hiện sớm sẽ khiến cho cơ hội sống của bé tăng lên.
Tiêm chủng trong thời gian mang thai. Tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc tiêm các loại vắc xin phòng bệnh. Bảo vệ bản thân khỏi những căn bệnh thông thường; nhằm để giảm các nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai.
Bảo vệ bé không bị chấn thương đầu. Loại bỏ những vật thể không an toàn khi bé tập bò, tập đi. Sử dụng nôi có lan can bảo vệ hoặc thanh chắn để ngăn không cho bé bị ngã.
Tiêm chủng cho trẻ. Bảo vệ bé khỏi bệnh tật có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng ảnh hưởng đến não.