Bệnh viêm tai giữa là hiện tượng tai của trẻ bị sưng, viêm đau do nhiễm trùng. Bệnh thường xuyên xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh gây nên tình trạng đau đớn và mệt mỏi cho bé. Ở một số trường hợp diễn biến nặng, bệnh còn có thể gây nên một số bệnh nguy hiểm như viêm xương chũm, viêm màng não, xuất ngoại mủ….Chính vì vậy, bố mẹ cần chủ động phòng ngừa để ngăn cản bệnh tấn công của trẻ cũng như giúp bé giảm thiểu những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Trong chuyên mục phòng bệnh cho trẻ em hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn bố mẹ cách phòng bệnh an toàn và hiệu quả nhất. Mời bố mẹ cùng tham khảo để có thêm kiến thức chăm sóc trẻ hữu ích.
Mục lục
Tìm hiểu về bệnh viêm tai giữa
Viêm tai giữa là hiện tượng nhiễm trùng ở tai giữa, viêm tai giữa bao gồm viêm tai giữa cấp tính, viêm tai giữa thể tràn dịch, viêm tai giữa tái phát và viêm tai giữa mạn tính. Viêm tai giữa hay xảy ra ở trẻ nhỏ. Đặc biệt là trẻ dưới 12 tháng tuổi hoặc các trẻ suy giảm miễn dịch. Bệnh hay gặp vào mùa đông.
Tai được chia làm ba phần bao gồm: tai ngoài, tai giữa và tai trong. Trong tai có một ống nối tai giữa với cổ họng, được gọi là vòi nhĩ hay ống eustachian. Vòi nhĩ đảm nhận ba chức năng quan trọng:
- Thông hơi giúp giữ áp suất không khí ở tai giữa luôn cân bằng với áp suất không khí bên ngoài. Điều này lý giải vì sao khi bị viêm tai trẻ thường mất thăng bằng, nghiêng đầu sang một bên…
- Bảo vệ tai giữa khỏi áp lực âm thanh và ngăn chặn sự xâm nhập của dịch từ mũi, họng chảy vào tai giữa
- Giúp tiêu dịch từ tai giữa chảy về họng
Cách phát hiện trẻ bị viêm tai giữa
- Trẻ thường hay quấy khóc do chảy mủ tai và đau tai.
- Đưa tay dụi hoặc cấu tai.
- Chán ăn, nôn hoặc tiêu chảy, có thể sốt cao.
- Khi ấn vào vùng tai hoặc kéo vành tai bệnh nhân đau nhói.
- Trẻ lớn kêu đau đầu, nghe kém.
- Soi thấy màng nhĩ đỏ, không di động hoặc căng phồng.
- Tai chảy mủ và đau…
Lý giải nguyên nhân vì sao trẻ em hay bị viêm tai giữa hơn người lớn
Nguy cơ viêm tai giữa ở trẻ nhỏ thường cao hơn người lớn do sụn vòi nhĩ còn mềm, dễ bị xẹp, vòi nhĩ ở trẻ ngắn và nằm ngang hơn người lớn. Đặc biệt, hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn chỉnh, trẻ dễ có nguy cơ bị nhiễm khuẩn hô hấp trên, viêm VA. Đây cũng nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm tai giữa.
Những tác hại của bệnh viêm tai giữa
Bệnh viêm tai giữa nếu không điều trị dứt điểm có thể gây ra các biến chứng vô cùng nguy hiểm như viêm xương chũm, viêm tai xương chũm mãn tính hồi viêm, xuất ngoại mủ (sưng đỏ hoặc rò mủ sau tai), viêm màng não và cuối cùng là áp xe não có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Hướng dẫn phòng chống bệnh viêm tai giữa ở trẻ nhỏ
- Cho trẻ bú mẹ ít nhất trong 1 năm đầu đời vì trong sữa mẹ có kháng thể giúp bé có sức đề kháng tốt.
- Khi vệ sinh cho trẻ như tắm, gội không để nước chảy vào tai giữa.
- Vệ sinh mũi họng để trẻ không bị viêm hô hấp trên, amidan, VA (giữa mũi họng và tai trong có ống thông nhau nên vi khuẩn vùng mũi họng qua đó mà lan sang tai).
- Giữ bé tránh xa các chất có khả năng kích ứng tạo ra dịch nhầy trong hốc mũi và tai giữa của bé (thú nhồi bông, vật nuôi, khói thuốc…)
- Giữ ấm cho trẻ khi thời tiết chuyển lạnh.
- Tăng cường các vitamin, khoáng chất từ các loại rau củ quả để nâng thể lực cho trẻ…
- Trường hợp dị vật rơi vào tai của trẻ thì cần phải đưa trẻ đi gặp các bác sĩ Chuyên Khoa Tai Mũi Họng để gắp dị vật ra ngoài.
- Đừng cho bé ngậm vú giả. Nếu thật sự cần dùng, hãy chú ý thời gian không cho bé ngậm quá lâu.
- Không hút thuốc hoặc không cho phép bất cứ ai hút thuốc lá xung quanh bé; không đưa bé đến nơi có khói thuốc.
- Kiểm tra xem con đã chích ngừa phế cầu, vắc xin ngừa cúm hay chưa. Việc tiêm vắc xin có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh ở một số trẻ em.
Tổng kết
Viêm tai giữa ở trẻ nhỏ là bệnh thường gặp và là nguyên nhân dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: viêm xương chũm, viêm tai xương chũm mãn tính hồi viêm, xuất ngoại mủ, viêm màng não…Bệnh thường tái phát khi thời tiết giao mùa, nóng lạnh đột ngột, độ ẩm trong không khí cao…
Để phòng bệnh cho trẻ, cha mẹ nên cho trẻ bú trong năm đầu đời, giữ vệ sinh tai mũi họng, tránh để nước vào tai trẻ, cho trẻ tránh xa các chất chất có khả năng kích ứng tạo ra dịch nhầy trong hốc mũi và tai giữa của bé như thú nhồi bông, vật nuôi, khói thuốc…