Bệnh chân tay miệng là bệnh thường xuyên xảy ra ở trẻ nhỏ. Nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh chóng và dễ thành dịch. Thời điểm cao điểm của bệnh dịch thường diễn ra từ tháng 3 đến tháng 5 và tháng 8 đến tháng 9 hàng năm. Bệnh có thể diễn biến nặng nếu không phát hiện và có phương pháp điều trị kịp thời. Hiện tại chưa có vacxin phòng bệnh, vì vậy bố mẹ cần phải có các biện pháp phòng tránh giúp bảo vệ bé khỏi nguy cơ bị nhiễm bệnh.
Vậy làm thế nào để có thể phòng tránh bệnh này cho trẻ nhỏ? Để trả lời câu hỏi này, mời bố mẹ tham khảo thông tin trong mục phòng bệnh cho trẻ em.
Diễn tiến và biến chứng có thể xảy ra ở trẻ bị mắc bệnh tay chân miệng
Diễn tiến của bệnh Tay chân miệng là ban đầu sẽ nổi bóng nước. Nếu bóng nước ở trong miệng thì vỡ ra thành vết loét; còn bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông thì thường không bị vỡ ra và sau đó sẽ khô dần. Diễn tiến bệnh thường kéo dài từ 5 đến 7 ngày, có thể nhiều hơn 10 ngày. Sau đó thì bóng nước có thể tự khô, tự ổn định và tự khỏi. Khoảng 90% trường hợp trẻ mắc Tay chân miệng sẽ tự khỏi, còn lại một số nhỏ có thể có một số biến chứng như ảnh hưởng tới não bộ, thân não, gây ra suy hô hấp, ảnh hưởng tới tiêm gây ra viêm cơ tim, suy tim, gây phù phổi cấp…
Cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh để tránh các trường hợp biến chứng.
Dấu hiệu giúp bố mẹ nhận biết trẻ đang bị biến chứng
Thông thường các biến chứng thường xuất hiện vào ngày thứ 3 – thứ 5 của bệnh, tức là sau khi nổi vết loét chỗ bóng nước. Nếu nhẹ thì trẻ khi thiu thiu ngủ sẽ bị giật mình, ngồi dậy chơi thì bình thường. Độ nặng hơn một chút là trẻ vừa nằm ngã ra là sẽ giật mình, chới với. Nặng hơn nữa là khi bồng trên tay, trẻ vẫn giật mình chới với. Lúc này nên chú ý trong lòng bàn tay có nổi nốt hay không, trẻ có đau miệng, chảy nước miếng loét miệng hay không. Đó là những dấu hiệu cần quan sát để phát hiện sớm biến chứng.
Hướng dẫn cách phòng bệnh chân tay miệng ở trẻ
Bệnh tay chân miệng bùng phát mạnh nhất vào giai đoạn chuyển mùa. Đặc biệt là vào mùa hè khi thời tiết nóng ẩm, thuận lợi cho virus phát triển và gây bệnh. Bệnh chủ yếu xuất hiện ở những khu vực đông người như trường học, nhà trẻ…Vì vậy, bố mẹ cần nắm được những cách phòng ngừa bệnh kịp thời để ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh, gây tổn thương cho bé.
Hiện nay, không có vaccine phòng bệnh. Tuy nhiên bố mẹ có thể làm giảm nguy cơ bị nhiễm các loại virus gây bệnh tay chân miệng bằng những cách đơn giản sau đây:
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng trước khi chuẩn bị thức ăn, ăn uống, cho trẻ nhỏ ăn, sử dụng nhà vệ sinh, sau khi thay tã cho trẻ và sau khi tiếp xúc với các bọng nước.
- Sử dụng xà phòng để làm sạch các vật dụng, khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường.
- Tránh ôm, hôn, dùng chung quần áo, đồ dùng cá nhân với trẻ nhiễm bệnh.
- Khi trẻ bệnh, tránh cho trẻ tiếp xúc nơi đông người như đi nhà trẻ, trường học.
- Hướng dẫn trẻ che miệng và mũi khi hắt hơi, ho.
Theo dõi tình trạng bệnh và chăm sóc y tế kịp thời. Nếu trẻ có các biểu hiện bất thường như sốt cao, li bì, mất tỉnh táo cần nhập viện ngay lập tức.