Khi bị cảm cúm, người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, sức đề kháng suy giảm. Đây là bệnh rất thường gặp, nhất là ở những nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm như nước ta. Bên cạnh điều trị bằng thuốc thì người bệnh cảm cúm cần tăng cường dinh dưỡng nhằm nâng cao sức đề kháng cho cơ thể, giúp ngăn ngừa biến chứng, và nhanh chóng hồi phục sức khỏe hơn. Vậy người bị cảm cúm cần bổ sung thực phẩm nào để tăng cường miễn dịch. Bài viết sau sẽ chia sẻ các thực phẩm nên dùng cũng như nên tránh để hồi phục tốt hơn.
Mục lục
5 loại thực phẩm người bệnh cảm cúm nên ăn
Khi mắc bệnh cúm, sức đề kháng thường bị suy giảm dễ dẫn đến biến chứng. Vì vậy chế độ dinh dưỡng của người bệnh cần lưu ý bổ sung thực phẩm có tác dụng kháng viêm, tăng cường miễn dịch.
Thịt gà chứa nhiều vitamin và chất khoáng
Thịt gà là thực phẩm tốt cho sức khỏe vì thịt gà rất giàu dinh dưỡng, không chứa nhiều chất béo. Thịt gà cũng chứa nhiều vitamin A, E, C, B1, B2, PP và các chất khoáng: canxi, phospho, sắt…
Ngoài bổ dưỡng, thịt gà còn là thực phẩm dễ tiêu hóa, hấp thu. Thường được dùng để bồi bổ sức khỏe cho người ốm, người bị cảm cúm, gầy yếu, ăn kém, đầy bụng khó tiêu, tiêu chảy…Đối với người bệnh cảm cúm nên ăn các món bổ dưỡng, dễ tiêu và có tác dụng giải cảm rất tốt:
- Cháo gà nấu thêm hành, tía tô;
- Súp gà;
- Canh gà nấu gừng.
Thịt bò giàu kẽm giúp tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch
Thịt bò rất giàu protein, các vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể như: sắt, magie, selen, phot pho, vitamin B6, B12…
Đặc biệt thịt bò là thực phẩm giàu kẽm. Kẽm có tác dụng tác dụng chống khuẩn, kháng viêm, giúp tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch, tốt cho người bệnh cảm cúm.
Người bệnh nên ăn các món giúp tăng cường dinh dưỡng, tăng sức đề kháng của cơ thể:
- Cháo thịt bò nấu cà rốt;
- Cháo thịt bò tía tô;
- Súp thịt bò cà rốt…
Tỏi có tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm mạnh
Trong tỏi có chứa chất allicin, hợp chất sulfur có tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm mạnh. Do đó, tỏi được coi là thực phẩm rất tốt để trị bệnh cảm cúm, giảm ngạt mũi, giảm ho, long đờm.
Nên bổ sung tỏi trong bữa ăn hàng ngày để cải thiện triệu chứng cảm cúm, tăng cường hệ thống miễn dịch, giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục sức khỏe.
Gừng có tác dụng giải cảm, trị cảm cúm hiệu quả
Cũng như tỏi, gừng là gia vị rất quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày. Đây cũng là vị thuốc dùng để trị nhiều bệnh thông thường, trong đó có cảm cúm.
Người bệnh có thể dùng các món: Cháo gà nấu gừng; Cháo gừng nấu trứng. Hoặc dùng trà gừng đường, trà gừng mật ong… có tác dụng giải cảm, giảm đầy hơi, khó tiêu, trị cảm cúm hiệu quả.
Rau hẹ có tác dụng hành khí, giải độc, giảm ho và tiêu sưng
Rau hẹ chứa protein, chất xơ, vitamin và khoáng chất như: canxi, sắt, magie, phốt pho, kali, kẽm, vitamin A, C. Trong hẹ có chất chống oxy hóa và các hợp chất organosulfur có đặc tính kháng khuẩn, kháng nấm và virus. Vì vậy, rau hẹ được coi là thực phẩm giúp điều trị cảm lạnh, cảm cúm rất tốt.
Trong y học cổ truyền, hẹ là vị thuốc có tác dụng hành khí, tán ứ, giải độc, giảm ho và tiêu sưng. Thường được dùng chữa cảm sốt, ho, đau họng và cảm cúm.
Người bệnh có thể dùng rau hẹ nấu canh ăn. Hoặc dùng lá hẹ hấp với mật ong, đường phèn giúp giảm đau họng, giảm ho, tiêu đờm rất tốt.
Để tăng cường hấp thu dinh dưỡng, người bệnh cảm cúm nên ăn các món ăn lỏng, dễ tiêu như cháo, súp… Uống nhiều nước: nước lọc, nước canh, nước ép trái cây, nước chanh mật ong, trà gừng mật ong… giúp giải cảm, nhanh hồi phục sức khỏe.
Thực phẩm nên tránh khi bị cảm cúm
- Không nên ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều dầu mỡ dễ gây buồn nôn, khó tiêu.
- Hạn chế thực phẩm chứa nhiều đường.
- Không uống rượu, bia và các chất kích thích như cafe, đồ uống có gas…
Lời kết
Bên cạnh việc tăng cường dinh dưỡng, người bệnh cảm cúm cần được nghỉ ngơi yên tĩnh. Giữ vệ sinh miệng, họng, nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý. Nếu có một trong các biểu hiện: sốt kéo dài, ho nhiều, ho có đờm, đau đầu nhiều, đau tai, tức ngực, nôn… cần đến ngay cơ sở y tế để điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng có thể xảy ra.