Bệnh còi xương không chỉ ở những trẻ bị suy dinh dưỡng, có cân nặng và chiều cao đều thấp hơn so với mức trung bình, mà những bé dù bụ bẫm nhưng vẫn bị tình trạng còi xương. Nguyên nhân là những trẻ này có nhu cầu về canxi – phốt pho cao hơn các trẻ có chỉ số cơ thể phát triển ở mức bình thường. Bệnh còi xương ở trẻ nhỏ nếu không phát hiện sớm và có biện pháp xử lý phù hợp sẽ gây nhiều tác động xấu đến sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới dây để hiểu rõ hơn về bệnh còi xương và cách phòng bệnh cho trẻ.
Mục lục
Bệnh còi xương ở trẻ nhỏ
Trẻ em bị còi xương là do cơ thể bị thiếu hụt vitamin D làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thu và chuyển hóa canxi và phốt pho (là những chất cần thiết cho sự phát triển của xương). Bệnh còi xương ở trẻ thường gặp ở giai đoạn trẻ sơ sinh cho đến dưới 3 tuổi. Bệnh làm cho xương mềm, xốp, đồng thời làm biến dạng xương ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh còi xương ở trẻ
Nguyên nhân dẫn đến bệnh còi xương ở trẻ là do thiếu ánh sáng mặt trời, hoặc chế độ dinh dưỡng không cung cấp đủ canxi – phốt pho; trẻ không được bú mẹ dễ bị còi xương hơn trẻ bú mẹ. Những em bé có nhiều nguy cơ bị còi xương thường thuộc các nhóm sau:
- Trẻ sinh non, đẻ sinh đôi.
- Trẻ nuôi bằng sữa bò.
- Trẻ quá bụ bẫm.
- Trẻ sinh ở những nơi có điều kiện thời tiết âm u, thiếu ánh nắng.
Dấu hiệu để nhận biết trẻ bị còi xương
Bệnh còi xương ở trẻ thường biểu hiện qua một số dấu hiệu như sau:
- Trẻ thường quấy khóc, ngủ không yên, dễ giật mình, và đổ nhiều mồ hôi lúc ngủ.
- Tóc rụng nhiều, đặc biệt là ở vùng sau gáy như hình vành khăn.
- Có các bất thường ở vùng xương đầu, bao gồm thóp rộng và mềm, thóp không đầy và phập phồng theo nhịp thở; xuất hiện bướu đỉnh đầu, bướu trán (trán dô), hoặc đầu bẹp trông giống cá trê.
- Răng mọc chậm, rối loạn trương lực cơ hoặc bị táo bón.
- Chậm phát triển vận động như lẫy, lật, bò, đi, đứng…

Trong trường hợp còi xương cấp tính, trẻ có thể bị co giật do lượng canxi trong máu hạ xuống quá thấp. Bệnh còi xương nghiêm trọng có nguy cơ gây ra những biến chứng như: có chuỗi hạt ở xương sườn, dị tật xương ức gà hay còn gọi là ngực lồi, và vòng cổ chân, cổ tay, chân cong hình chữ X, chữ O.
Hướng dẫn phòng bệnh còi xương cho trẻ
- Khi có thai các bà mẹ phải làm việc nghỉ ngơi hợp lý để tránh bị đẻ non; có thể uống vitamin D khi thai được 7 tháng: 600.000UI/3 tuần, mỗi tuần 200.000UI.
- Sau khi sinh cả mẹ và con không nên ở trong phòng tối và kín; phòng ở phải thoáng mát và đầy đủ ánh sáng.
- Cho trẻ tắm nắng hàng ngày. Để chân, tay, lưng, bụng trẻ lộ ra ngoài từ 15-30 phút lúc buổi sáng (trước 9 giờ). Lưu ý phải tắm nắng trực tiếp vì nếu không sẽ không còn tác dụng. Trong những tháng mùa đông phải uống thêm vitamin D; vì mùa đông thường có nhiều sương mù và nắng yếu.
- Cho trẻ uống vitamin D 400UI/ ngày trong suốt năm đầu tiên nhất là về mùa đông.
- Khi trẻ ăn bổ sung, cho trẻ ăn các loại thực phẩm có chứa nhiều canxi như: sữa; trứng; tôm; cua; cá; rau xanh; và dầu mỡ.
Lời kết
Bệnh còi xương ở trẻ là căn bệnh mà không bậc cha mẹ nào mong muốn con mình sẽ gặp phải. Tuy nhiên, để phòng ngừa được bệnh còi xương cũng không quá phức tạp; quý phụ huynh nào cũng có thể tuân thủ theo hướng dẫn trên nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển toàn diện nhất cho trẻ nhỏ.