Bệnh ngộ độc chì là một dạng nhiễm độc kim loại, bệnh xảy ra khi người bệnh bị phơi nhiễm với chì trong môi trường lao động. Trong giai đoạn mới phát bệnh, người bệnh sẽ có những triệu chứng như nhức đầu, bứt rứt, khó chịu, làm giảm sự tập trung, tình trạng khó ngủ kéo dài, cảm thấy buồn nôn vào ban đêm hoặc vào sáng sớm. Hay một số triệu chứng khác có khả năng xảy ra như tiêu chảy hoặc táo bón, đau cơ… Trong giai đoạn nhiễm độc, các triệu chứng trên sẽ rõ rệt hơn, trở nên cấp tính và nặng hơn. Bệnh ngộ độc chì xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất nếu mắc bệnh. Vì vậy, cần ưu tiên phòng tránh bệnh ngộ độc chì ở trẻ nhỏ.
Mục lục
Chì vào cơ thể trẻ nhỏ qua những đường nào?
- Qua đường hô hấp: Hít phải bụi, không khí, khói, hơi có chì.
- Qua đường tiêu hoá: Nhiễm chì quan ăn uống, do bàn tay chưa được vệ sinh đưa lên miệng.
- Qua da: Ô xít chì được dùng trong các thuốc nam lưu hành bất hợp pháp có thể bị hấp thụ dễ dàng qua da.
- Qua nhau thai, sữa mẹ: Chì có thể gây độc cho thai nhi thông qua nhau thai. Nồng độ chì trong máu của con bằng khoảng 80% nồng độ chì trong máu của mẹ.

Những tác động xấu do ngộ độc chì đối với trẻ nhỏ
Tình trạng nhiễm độc chì gây ảnh hưởng đến quá trình giao tiếp giữa các tế bào thần kinh và não. Nó cũng can thiệp vào sự phát triển bình thường của trẻ. Điều này có thể dẫn đến hiện tượng sụt giảm chỉ số IQ, mất khả năng học tập và thậm chí gặp vấn đề khi phát triển. Một số biến chứng khác mà bé có nguy cơ gặp phải bao gồm:
- Hôn mê.
- Phát triển chiều cao kém.
- Thính lực kém phát triển.
- Kỹ năng vận động tinh kém.
- Gặp khó khăn khi tập trung.
- Gặp khó khăn trong học tập.
- Phát triển các vấn đề hành vi như hung hăng và hiếu động.
Nguyên nhân trẻ bị bệnh ngộ độc chì
Một số nguồn nhiễm độc chì phổ biến bao gồm:
- Các thuốc nam: dùng uống, bôi, được dân gian gọi là thuốc cam, thuốc tưa lưỡi,… lưu hành bất hợp pháp có chì (hồng đơn). Đây là nguyên nhân gây nên nhiều trường hợp ngộ độc, đặc biệt ở trẻ em ở các tỉnh miền Bắc hiện nay. Đặc biệt nếu các thuốc dạng bột hoặc viên có màu đỏ, vàng cam hoặc hồng.
- Sơn có chì.
- Bụi gia dụng.
- Chén, bát tráng men.
- Đồ chơi, trang sức có màu sắc bắt mắt dành cho trẻ em.
- Nước chảy từ các đường ống, vòi bị mòn hoặc nhiễm chì.
- Đất bị ô nhiễm do khí thải của các phương tiện giao thông, khói công nghiệp hoặc các công trình xây dựng.
- Thực phẩm: đồ hộp có chất hàn gắn hộp sử dụng chì, đồ nấu ăn bằng chì, các nguồn thực phẩm bị ô nhiễm từ môi trường do không được kiểm soát tốt.

Triệu chứng ngộ độc chì ở trẻ em
- Chậm phát triển
- Khó tiếp thu khi học tập
- Dễ cáu gắt
- Ăn mất ngon
- Giảm cân
- Chậm chạp và mệt mỏi
- Đau bụng
- Nôn mửa
- Táo bón
- Mất thính lực
- Động kinh
- Vô thức ăn những vật như mẩu vụn không phải thức ăn (Hội chứng Pica)
Hướng dẫn phòng ngừa ngộ độc chì ở trẻ nhỏ
Rửa tay và đồ chơi: Nhằm giảm thiểu nguy cơ nhiễm độc chì do đưa tay lên miệng sau khi tiếp xúc với đất, bụi nhiễm độc chì. Bố mẹ hãy rửa tay cho trẻ sau khi bé hoạt động ngoài trời, trước khi ăn và trước khi đi ngủ. Ngoài ra, vệ sinh đồ chơi định kỳ cũng là biện pháp cần làm.
Vệ sinh nhà cửa: Thường xuyên dọn dẹp khu vực sinh hoạt, bệ cửa sổ hoặc những nơi dễ bám bẩn khác bằng dung dịch vệ sinh phù hợp.
Để giày ở bậc thềm: Vị trí để giày dép nên cách xa khu vực vui chơi của bé trong nhà để đề phòng nguy cơ nhiễm độc chì từ bụi bẩn dính ở đế giày dép.
Cẩn thận khi nấu nướng: Nếu nhà bạn dùng hệ thống ống nước đã cũ, hãy để vòi nước chảy khoảng một phút trước khi sử dụng. Ngoài ra, nấu ăn cho trẻ bằng nước tinh khiết hoặc nước đã qua máy lọc cũng là một gợi ý.
Chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp giảm nguy cơ cơ thể hấp thu chì. Một điều quan trọng khác mà bạn không nên bỏ qua là đảm bảo cả gia đình hấp thu đủ lượng sắt, vitamin C và canxi mỗi ngày. Các loại thực phẩm được đánh giá cao và tốt cho sức khỏe; gồm: Sữa, thịt đỏ, phô mai, rau xanh, trái cây họ cam chanh.
Nếu nghi ngờ con mắc phải tình trạng ngộ độc chì, bố mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời, tránh cho các biến chứng nguy hiểm xảy ra.